Powered By Blogger

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Học tập đức tính tiết kiệm của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, người là linh hồn của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại cho chúng ta những giá trị tinh thần vô giá, trong đó đặc biệt là tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng để lớp lớp các thế hệ Việt Nam học tập và noi theo . Hội nghị Trung ương 12, khóa IX đã chỉ rõ: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội ta” và chủ trương tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng và trong toàn xã hội. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức theo chỉ thị số 06 – CT/TW, ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị khóa X đã có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục đạo đức, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong công cuộc xây dựng đất nước, khi mà hiện nay có một bộ phận nhỏ những cán bộ, đảng viên bị tha hóa, biến chất, đặt nặng chủ nghĩa cá nhân lên trên chủ nghĩa tập thể, cố tình làm trái với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dẫn đến làm mất lòng tin ở nhân dân. Tư tưởng và đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời, Thiếu một phương, thì không thành đất, Thiếu một đức, thì không thành người”. Điều đó cho ta thấy việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức là vấn đề quan tâm hàng đầu của Bác. Theo Bác, là người phải có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính như là lẽ tự nhiên, như “trời”, như “đất”. Trong bài viết này tôi xin đề cập đến chữ “kiệm” của Bác trong bức tranh sinh động về cuộc sống, công việc thật của Bác qua một số câu chuyện kể về Người. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm “là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc lợi ích cho đồng bào, cho tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Tiết kiệm là tích cực. “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết hiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực chứ không phải là tiêu cực”. Tiết kiệm là để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, mục đích là để tăng tiền vốn để xây dựng đất nước và vì mục đích chính trị cuối cùng đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nghèo nàn và lạc hậu. Chỉ một vấn đề này thôi, chúng ta cũng thấy rõ tấm gương của bác thật sáng ngời, suốt đời của Bác chỉ lo cho dân, cho nước. Bác cho rằng không những tiết kiệm cả của cải, mà còn phải tiết kiệm cả thời gian và sức lực, bởi của cải nếu hết còn có thể làm ra được, còn thời gian đã qua đi, không bao giờ quay trở lại, song song với vấn đề này chúng ta hãy suy nghĩ đến chính cuộc sống của mỗi con người chúng ta, đừng để thời gian trôi qua cuộc sống chúng ta một cách vô ý nghĩa khi ta không tạo dựng cho mình một cuộc sống có giá trị. Muốn tiết kiệm thời gian, bất kì việc gì, nghề gì cũng phải chăm chỉ, làm nhanh, chuyện hôm nay làm được, không để ngày mai. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ của người khác. Tiết kiệm không ở đâu xa mà ngay trong chính cuộc sống của mỗi chúng ta. Bác Hồ đã tiết kiệm từ những việc làm rất nhỏ cho đến những việc làm rất lớn trong cuộc sống hằng ngày. Điều có thể thấy trước nhất ở Bác đó là tiết kiệm trong chi tiêu, các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác vẫn không dùng tất mới. Bác nói: Cái gì còn dùng được thì nên dùng, bỏ đi không nên, có quả chuối hơi nẫu đi, anh bộ đội không ăn, Bác lấy dao tách bỏ phần bị nẫu đi rồi bóc ăn ngon lành. Bác nói: Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý lắm rồi, câu nói ấy làm cho anh bộ đội ân hận mãi. Dù ở cương vị là một chủ tịch nước nhưng Bác chưa bao giờ có tiền như anh em cán bộ, chiến sĩ công tác quanh Bác. Thực tế lịch sử cho thấy, trong những năm hoạt động ở nước ngoài, tình hình đời sống của Bác rất khó khăn nhưng Bác vẫn cố gắng làm việc ở nhiều nghề khác nhau, số tiền dành được phục vụ cho cách mạng. Về phần mình, “Người tiết kiệm để dành cho nhân dân, cứ mỗi tuần nhịn ăn một bữa để dành gạo cho dân đang đói; dùng tiền tiết kiệm được của riêng mình để tặng bộ đội. Thời kì chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Bác đã yêu cầu thư kí rút tiền tiết kiệm của Bác để mua nước ngọt gửi cho bộ đội trực chiến trên các chiến trường miền Bắc” . Với những vấn đề trên càng khiến cho cả dân tộc Việt Nam, cả thế giới quý Bác, tự hào về Bác. Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung không phải đòi hỏi cao mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là tòa thánh uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được, dù là bật thềm thứ nhất? Ở Bác Hồ, ta thấy đức tính giản dị luôn đi đôi với tính tiết kiệm trong cách ăn mặc, phong cách làm việc, cư xử với mọi người xung quanh Bác, vẫn vài ba trái cà trong mỗi bữa ăn, vẫn bộ quần áo Kaki màu trắng cũ ấy, trên đầu vẫn cái nón cũ. Bác vẫn giản dị như thế cho dù Bác là một vị chủ tịch Nước. Do đó, trong mỗi con dân Việt Nam cần phải thấm nhuần tấm gương về đức tính giản dị và tiết kiệm của người trong từng việc làm của bản thân. Bác giản dị đến mức tưởng chừng như không giản dị, Bác luôn hòa mình vào cuộc sống nhân nhân, các đồng chí và đồng bào của mình, điều đó được thể hiện qua 1 lần “đồng chí liên lạc công văn 10 giờ đêm mới đến, Bác gọi mang ra một bát chè đậu đen thìa con, rồi Bác đem ra sẻ một nữa cho đồng chí liên lạc, đồng chí rơi cả nước mắt vì tấm lòng thương yêu đồng đội của Bác” . Công việc của Bác rất nhiều đến nỗi bữa ăn tối của Bác cũng chỉ là một cặp bánh giò là đủ. Đối với Bác “thời gian quý báo lắm”, đây chính là mẫu chuyện nêu toát lên đức tính tiết kiệm về thời gian trong công việc của Bác cũng như qua mẫu chuyện chúng ta học tập thêm những lời dặn dò của Bác về tinh thần tiết kiệm thời gian. Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “trong giấy mời tới đây nói 8 giờ mới bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báo lắm”. Một lần khác, Bác và một đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu một cuộc họp. Bác hỏi: chú đến chậm mấy phút, anh cán bộ đáp thưa Bác, chậm 10 phút ạ, chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây. Qua câu chuyện về thời gian và tìm hiểu thêm qua cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, điều mà ta thấy rõ cái mà Bác Hồ ghét nhất, “ghét cay, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân. Thời gian vô cùng lớn lao trong cuộc sống nhỏ bé của con người. Ngay từ những ngày tháng thơ ấu cắp sách đến trường, bài học đầu tiên chúng ta được các thầy cô dạy vẫn là bài học về thời gian “Đi học phải đúng giờ”, bài học đơn giản đó lại không là một chuyện nhỏ đối với Bác. Những câu chuyện về tính tiết kiệm trong thời gian nêu trên giúp ta ngày càng thấm nhuần hơn nữa những đức tính cao cả của Người, những lời dạy của Bác được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách đúng đắn vào công cuộc cải cách hành chính tại các cơ quan ban ngành, các đoàn thể. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ phận, cán bộ trong các cơ quan hành chính nhũng nhiễu, tham ô của công, lãng phí thời gian, sức lực của nhân dân, thói quan liêu hách dịch, cửa quyền vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Bác không những làm gương sáng tiết kiệm cho dân noi theo, mà còn giáo dục tinh thần tiết kiệm cho dân, điển hình trong cuộc gặp cán bộ ngoại giao: Một lần, khi nói chuyện với cán bộ ngoại giao về nước học tập Nghị quyết của Đảng, Bác đến thăm và căn dặn. Nhân dân ta đang gian khổ chiến đấu để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Vì vậy, mỗi cán bộ, mỗi người dân phải tiết kiệm vì sự nghiệp cách mạng. Làm công tác ngoại giao, tuy phải có phần hình thức cho coi được, song nội dung vẫn là quan trọng hơn. Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, chứ không phải ở chỗ xa hoa, lãng phí. Cần làm sao không tốn kém mà lịch sự. Các cô, các chú đi công tác nước ngoài càng phải chú ý điều này. Vì hoàn cảnh ở nước ngoài thường dễ làm cho mình sinh ra hoang phí, tham ô, hủ hóa, thậm chí có khi sa ngã, mất cả tư cách người cách mạng. các cô, các chú phải luôn luôn tự kiểm điểm và giúp cán bộ mình cùng kiểm điểm. Và đến cuối đời mình, Người đã để lại một bài học vô cùng xúc động: “Thực hiện ý kiến nhắc nhở của Bác Thông tấn xã Việt Nam(TTXVN) hằng ngày gửi bản tin để Bác đọc, đều in hai mặt giấy, In rônêô, nên bản tin hay bị nhòe, Bác vẫn cố gắng đọc. Sang năm 1969, thấy Bác không được khỏe, TTXVN gửi bản tin in một mặt. Xem xong, những tư liệu, tin tức cần thiết, Bác giữ lại, còn thì gửi cho văn phòng để gấp thành “phong bì tiết kiệm”… Gần bốn tháng trước khi qua đời, ngày 10 – 05 – 1969, Bác viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay, vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3 – 5 – 1969. Bác viết những dòng lịch sử và vô cùng thiêng liêng ấy bằng mực xanh và chữ sửa sau đó bằng mực đỏ. Những chữ mực đỏ, nét run run, không cứng cáp như Bác thường viết. Có lẽ Bác sửa lần cuối Di chúc, khi thấy trong người không còn khỏe. Nhìn những dòng chữ ấy trên mặt giấy tiết kiệm, mọi người đều xúc động và ngày càng kính trọng Bác bao nhiêu lại càng thương Bác bấy nhiêu. Hồ Chí Minh không muốn vì mình mà nhân dân lãng phí tiền bạc, thời gian. Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” , chỉ có trái tim nhân ái của một vị lãnh tụ mới viết nên được những lời như thế đó. Qua những mẩu chuyện kể trên về đức tính tiết kiệm của Bác rất đáng cho chúng ta suy ngẫm và học tập. Chúng ta phải ý thức tiết kiệm và giáo dục những người xung quanh ta biết tiết kiệm. Tiết kiệm từ trong gia đình đến nơi công sở, từ những việc nhỏ nhặt như sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm; tiết kiệm trong việc sử dụng các trang thiết bị bằng cách ý thức bảo quản tốt để sử dụng được bền lâu; tiết kiệm thời gian thể hiện qua việc họp hành, làm việc đúng giờ, thường xuyên cải tiến phương pháp làm việc để nâng cao hiệu suất lao động. Là những thanh niên trong giai đoạn hiện nay cần phải nhận thức tính tất yếu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải luôn đi đầu trong học tập, tham gia các hoạt động phong trào, thực hành tiết kiệm. Trong phạm vi trường Đại học Bạc Liêu, mỗi sinh viên của trường cần luôn nêu cao tinh thần tiết kiệm của Bác trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong học tập, có ý thức tiết kiệm thời gian, đi học đúng giờ, tiêu xài đúng chổ, đúng lúc, không hoang phí của cải tiền bạc của gia đình, ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt, sóng thần động đất ở Nhật Bản, tiết kiệm tiền giúp bạn vượt khó....Cán bộ, công nhân viên và giảng viên trường ta cũng làm gương sáng cho sinh viên khi nêu cao tinh thần tiết kiệm trong công sở, giáo dục tính tiết kiệm cho sinh viên, không liên hoan lu bù, sử dụng văn phòng phẩm tiết kiệm, làm việc đúng giờ giấc, sống giản dị....Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu, sớm xây dựng nhà trường ngày một phát triển vững mạnh trong tương lai (2011 – 2015), việc tiết kiệm là một trong những việc thiết thực nhất của Cán bộ, công nhân viên, giảng viên và sinh viên để thực hiện thành công sự chỉ đạo đó. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Bác Hồ không chỉ ở trong trái tim của mỗi chúng ta, mà còn ở trong từng cử chỉ, việc làm và hành động của mỗi người”. Với lòng kính yêu và tôn trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chúng ta phải học tập và thực hành đức tính tiết kiệm, giản dị của Bác suốt đời, cũng như câu nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi”, tiết kiệm sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng hơn những giá trị lao động của con người, và từ đó giúp chúng ta giàu có hơn về vật chất lẫn tinh thần, để từ đó chúng ta cùng nhau xây dựng nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp và vững mạnh theo tâm nguyện của Bác. Như vậy, có thể nói việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với chúng ta là một việc làm cần kíp. Thông qua đó, giúp chúng ta gần hơn với Bác Hồ kính yêu. Những tư tưởng của người, những tấm gương thật của người, hiện lên như một chòm sao sáng chói trong đêm trăng soi rọi xuống thế hệ con cháu của Người. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một tấm gương sống trong sạch, tiết kiệm, điều này đã được Báo chí nước ngoài nhiều lần nhắc đến, nhà báo Mỹ Ddavit Hanbơcstơn viết: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kì lạ của thời đại này – hơi giống Giăngdi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam, Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, giản dị…”. Đặc biệt, bản thân tôi thật sự cảm phục tinh thần ấy của Bác, nguyện sẽ dõi theo chân Bác, học tập những đức tính quý báu của Bác, nhất là đức tính “tiết kiệm” để sớm tự hoàn thiện mình, là tấm gương cho các thế hệ sau, sau nữa nối tiếp. Góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét